LamDong360
Thiền viện Vạn Hạnh: Hơi thở Phật giáo giữa Đà Lạt mộng mơ

Thiền viện Vạn Hạnh: Hơi thở Phật giáo giữa Đà Lạt mộng mơ

Nội dung chính

Thiền Viện Vạn Hạnh không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng kiến trúc tuyệt đẹp và không gian yên bình giữa lòng thành phố Đà Lạt. Với tượng Phật Thích Ca Niêm Hoa Vi Tiếu cao lớn cùng những nét kiến trúc độc đáo, nơi đây thực sự là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích sự thanh tịnh và muốn tìm hiểu về Phật giáo.

Giới thiệu đôi nét về Thiền viện Vạn Hạnh

Địa chỉ và giờ mở cửa Thiền viện Vạn Hạnh

  • Địa chỉ: Số 39 đường Phù Đổng Thiên Vương, Phường 8, Thành phố Đà Lạt
  • Giờ mở cửa: 07:00 - 19:00

Thiền Viện Vạn Hạnh là một trong những thiền viện nổi tiếng của thành phố Đà Lạt, mang trong mình vẻ đẹp yên bình và linh thiêng, là nơi hành hương quen thuộc của người dân và du khách đến tham quan. 

Tượng ở Thiền viện Vạn Hạnh

Hướng dẫn đường đi đến Thiền Viện

Từ chợ Đà Lạt, bạn có thể đi theo đường Bà Huyện Thanh Quan, sau đó rẽ trái vào đường Đinh Tiên Hoàng. Tiếp tục di chuyển trên đường này đến ngã 5 Đại Học. Tại ngã 5, bạn đi thẳng vào đường Phù Đổng Thiên Vương, di chuyển khoảng 1,5 km, và bạn sẽ thấy cổng Thiền viện Vạn Hạnh nằm bên phải.

Lịch sử hình thành 

Thiền viện Vạn Hạnh được xây dựng vào năm 1952 với tên gọi ban đầu là Niệm Phật Đường Đông Thành. Đến năm 1957, nơi đây được đổi tên thành “Khuôn Hội Vạn Hạnh”. Sau nhiều lần tu sửa và mở rộng, đến năm 1964, thiền viện đã xây dựng thêm chánh điện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo ngày càng cao của Phật tử.

Sau hơn 40 năm phát triển, vào năm 1992, chùa Vạn Hạnh chính thức đổi tên thành Thiền viện Vạn Hạnh, với Đại Đức Thích Viên Thanh là vị trụ trì đầu tiên. Tháng 11 năm 1994, thiền viện tiến hành lễ đặt đá, khởi công xây dựng và mở rộng các công trình trong khuôn viên.

BÊn ngoài Thiền viện Vạn Hạnh

Khám phá nét hấp dẫn của Thiền viện Vạn Hạnh

Kiến trúc độc đáo 

Thiền viện Vạn Hạnh nổi bật với kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, thể hiện rõ nét đẹp của kiến trúc Á Đông qua hình ảnh rồng phượng uy nghiêm. Cổng chào của thiền viện được xây dựng theo lối kiến trúc cung đình xưa, với ba lối vào và mái cổng có ba tầng lầu đặc trưng. Khi đi qua cổng, khách tham quan nên sử dụng hai lối nhỏ hai bên và tránh đi vào cổng trung tâm lớn nhất. Phần mái cổng được chạm khắc hoa văn hình rồng, tạo nên vẻ đẹp cổ kính, cùng với các chi tiết trang trí bằng gỗ và hoa văn tinh tế.

Khuôn viên Thiền viện Vạn Hạnh

Tượng Phật Thích Ca Niêm Hoa Vi Tiếu lớn nhất Đà Lạt

Một trong những điểm nhấn của thiền viện là bức tượng Phật Thích Ca Niêm Hoa Vi Tiếu bằng vàng cao 24 mét, rộng 20m với phong thái niêm hoa đầy ý nghĩa. Đây là một trong những tượng Phật lớn nhất tại Đà Lạt, là biểu tượng của tinh thần thiền định và sự bình an trong Phật giáo. Tượng Phật đặt trên đài hoa sen lớn, với khuôn mặt hiền từ, mang đến cảm giác bình an cho bất kỳ ai đến chiêm bái.

Tượng phật Thiền viện Vạn Hạnh

Bảo tàng lịch sử tại Thiền viện

Ngoài các khu vực lễ bái và hành lễ, thiền viện còn có bảo tàng nhỏ trưng bày nhiều hiện vật quý giá liên quan đến lịch sử Phật giáo, bao gồm chuông đồng, chiêng cổ, và các tượng Phật nhỏ. Đây là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần và vật chất của Phật giáo qua từng thời kỳ lịch sử, mang lại cho du khách trải nghiệm văn hóa độc đáo.

Bảo tàng Thiền viện Vạn Hạnh

Hoạt động tôn giáo tại Thiền viện Vạn Hạnh

Thiền Viện Vạn Hạnh thường tổ chức các khóa tu ngắn và dài ngày dành cho mọi lứa tuổi, là cơ hội để du khách tĩnh tâm, thư giãn và khám phá tâm hồn. Các buổi lễ Phật Đản, Vu Lan, và các lễ hội khác tại đây thường thu hút đông đảo người dân địa phương và Phật tử khắp nơi đến tham dự, tạo nên không khí trang nghiêm và ấm áp.

Chính điện Thiền viện Vạn Hạnh

Những lưu ý khi tham quan Thiền viện

  • Nên mặc trang phục lịch sự, kín đáo, phù hợp với không gian tôn giáo.
  • Sáng sớm là thời điểm lý tưởng để tham quan thiền viện, tránh giờ cao điểm nếu muốn tìm không gian yên tĩnh.
  • Không gây ồn ào và giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên.
  • Giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi trong khuôn viên chùa.

Thiền Viện Vạn Hạnh là điểm đến lý tưởng cho những ai tìm kiếm sự bình an và muốn khám phá thêm về văn hóa Phật giáo. Với kiến trúc độc đáo, bức tượng Phật cao lớn và không gian yên bình, nơi đây thực sự là điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Đà Lạt.

Xem thêm thông tin Đời sống tại Đà Lạt